Mới đây, UBND huyện Bình Chánh đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh huyện Bình Chánh. Việc đưa Trung tâm điều hành thông minh vào hoạt động giúp địa phương tích hợp, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu, thông tin tổng hợp trên các lĩnh vực, từ đó kịp thời phân tích, đánh giá, đưa ra những giải pháp sát thực, nâng cao chất lượng điều hành của các cơ quan chức năng nhà nước. Đây là một trong những giải pháp cụ thể, hiệu quả trong thực hiện Đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh”.

leftcenterrightdel
Hệ thống giao thông thông minh-một trong những lĩnh vực được triển khai của Đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh. Ảnh tư liệu 

Thời gian qua, thành phố đã chú trọng triển khai nhiều nhóm giải pháp về tổ chức cơ chế chỉ đạo, điều hành, nhân lực, tài chính, hạ tầng, hình thành các chính sách nền tảng, đòn bẩy, tạo đột phá. Trước mắt, địa phương tập trung giải quyết những vấn đề, lĩnh vực khó khăn, cấp bách về giao thông, y tế, môi trường, chống ngập, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, chỉnh trang đô thị... Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát khốc liệt, thành phố đã triển khai kịp thời công tác chuyển đổi số phục vụ đắc lực công cuộc phòng, chống dịch. Nhiều dịch vụ hiệu quả như: Hệ thống thông tin an toàn Covid-19 áp dụng mã QR trên phạm vi toàn thành phố, bản đồ số Covid-19; các kênh tiếp nhận, phản ánh liên quan đến công tác phòng, chống dịch... Qua đó, thành phố kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, giữ ổn định địa bàn để phát triển kinh tế-xã hội.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nâng cao trình độ, nhận thức, làm thay đổi tư duy, việc làm, thói quen từ truyền thống sang hiện đại. Các đơn vị tổ chức nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ, nội dung xây dựng đô thị thông minh cho cán bộ, đảng viên. Thành phố cũng tập trung xây dựng chính quyền số, cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, liên thông, kết nối dữ liệu toàn thành phố, phát triển kho dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở, kiến tạo môi trường sáng tạo, khởi nghiệp, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân trong xây dựng đô thị thông minh. Thành phố đẩy mạnh xây dựng, nghiên cứu, phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán qua mạng, ứng dụng công nghệ trong thanh toán tiêu dùng. Các ban, ngành, địa phương chủ động hợp tác với nhiều tổ chức, tập đoàn công nghiệp lớn trong và ngoài nước để phát triển, ứng dụng công nghệ, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thành phố rà soát xây dựng khu đô thị hạt nhân là TP Thủ Đức để rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, nhân rộng mô hình cách làm hay, sáng tạo.

Quyết liệt triển khai hiệu quả nhiều giải pháp, theo đánh giá của ngành chức năng, đến nay, thành phố đã có gần 1.000 đơn vị trong hệ thống chính quyền liên thông văn bản điện tử thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Các lĩnh vực y tế, giao thông, giáo dục-đào tạo, quy hoạch, môi trường... đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả công tác.

Bài và ảnh: DUY NGUYỄN